
Di tích An ninh khu V
Địa chỉ: Thôn 6, xã Trà Tân, huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam
Điện thoại:
Khu di tích lịch sử An ninh Khu V (Khu di tích An ninh Khu V) nằm trong quần thể Khu di tích lịch sử cách mạng Trung Trung Bộ – Nước Oa, được xây dựng tôn tạo tại vị trí đóng quân của Tiểu đoàn 10 – An ninh vũ trang Ban An ninh Khu V trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Liên khu V, Khu V hình thành trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Từ năm 1966 – 1975 Khu V gồm các tỉnh: Quảng Đà, Quảng Nam (chính quyền Việt Nam cộng hỏa gọi là Quảng Tín), Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Kon Tum, Gia Lai và Đắk Lắk.
Trong kháng chiến chống Mỹ, Khu V trở thành địa bàn Mỹ, ngụy luôn huy động và tập trung lực lượng, phương tiện chiến tranh nhằm đàn áp, tiêu diệt phong trào cách mạng và ngăn chặn sự chỉ viện từ hậu phương miền Bắc.
Tháng 7/1961, sau khi Bộ Tư lệnh Quân khu V được thành lập, căn cứ cách mạng Khu ủy Khu V cũng là căn cứ Bộ Tư lệnh Quân khu đóng quân tại Nước Là (nay thuộc huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam). Từ năm 1970, cơ quan Khu ủy và Bộ Tư lệnh Quân khu V chuyển đến đồn khu vực Nước Oa, xã Trà Tân, huyện Trà My (nay là huyện Bắc Trà My).
Đầu năm 1962 Thường vụ Khu ủy V đã chỉ đạo thành lập Ban bảo vệ an ninh các cấp ở Khu V. Được sự chi viện của Bộ Công an kết hợp cùng lực lượng tại chỗ đã có kinh nghiệm đấu tranh trong kháng chiến chống Pháp và trong đồng khởi, Ban An ninh Khu V được thành lập với một danh A.H230. Sau khi Ban An ninh Khu được thành lập, Ban An ninh các tỉnh, huyện cũng lần lượt được hình thành, đến năm 1965, hệ thống tổ chức các ban an ninh đã hình thành từ khu đến huyện, xã, có nơi đến các thôn.
Ngay sau khi thành lập, Ban An ninh Khu V đã tham mưu Thường vụ Khu ủy chỉ đạo đấu tranh chống phản cách mạng và giúp Khu ủy chỉ đạo hướng dẫn an ninh các tỉnh triển khai các mặt công tác an ninh, xây dựng cơ sở nắm tình hình địch, đẩy mạnh công tác diệt ác phá kìm, chống địch càn quét gom dân lập ấp chiến lược; phát động và hỗ trợ phong trào đấu tranh của quần chúng; đồng thời triển khai lực lượng bí mật tấn công chính trị vào hàng ngũ địch, diệt trừ tình báo gián điệp, cảnh sát, phản động nguy hiểm, phá kế hoạch tỉnh báo đại chúng và các cuộc hanh quân càn quét của địch; bảo vệ Đảng, bảo vệ khu căn cứ, mở rộng vùng giải phóng.
Được Bộ Công an chi viện về mọi mặt, An ninh Khu V đã kịp thời cùng cố bộ máy, phát triển các đội trinh sát vũ trang, đẩy mạnh công tác điệp báo, xây dựng cơ sở trong lòng địch, tham gia tích cực các “trận đầu” đánh Mỹ, thắng Mỹ; chủ động điều tra nắm tình hình, kịp thời bóc gỡ nhiều mạng lưới tỉnh báo gián điệp, khám phá nhiều vụ nội gián góp phần bảo vệ tuyệt đối an toàn các đồng chí lãnh đạo Khu ủy, Tỉnh ủy, các cơ quan đơn vị và quần chúng nhân dân ở vùng căn cứ; góp phần quan trọng trong đấu tranh làm thất bại âm mưu của đế quốc Mỹ trong các chiến lược “chiến tranh đặc biệt”, “chiến tranh cục bộ”; “Việt Nam hóa chiến tranh”, làm nên thắng lợi của Tổng tiến công mùa xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Những cống hiến của lực lượng An ninh Khu V được Đảng, Nhà nước và Nhân dân ghi nhận và trao tặng những phần thưởng cao quý.
Trải qua quá trình phục dựng, tôn tạo và phát huy giá trị, ngày 04/8/1992, Di tích lịch sử cách mạng Trung Trung Bộ – Nước Oa được công nhận, xếp hạng Di tích lịch sử – văn hóa Quốc gia.
Ngày 04/02/2005, Bộ Công an ban hành Quyết định số 129/2005/QĐ-BCA lấy địa điểm đóng quân của Tiểu đoàn 10 An ninh vũ trang để xây dựng, tôn tạo thành Khu di tích An ninh Khu V.
Hiện nay, Khu di tích An ninh khu V được bảo tồn, phát huy giá trị với các hạng mục, gồm:
– Khu tưởng niệm liệt sĩ được thiết kế xây dựng trên ngọn đồi cao, với 60 bậc đá đi lên từ chân đồi với ý nghĩa 60 năm hình thành và phát triển của lực lượng CAND, tại vị trí trung tâm là Nhà tưởng niệm.
– Nhà truyền thống An ninh Khu V
– Nhà chuông phục vụ hoạt động tri ân, tưởng niệm liệt sĩ
– Sân khấu ngoài trời phục vụ tổ chức các hoạt động giao lưu sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, sinh hoạt truyền thống dã ngoại của lực lượng CAND
– Nhà gươl (Quảng Nam); nhà rông (Gia Lai); nhà rường (Thừa Thiên Huế); nhà sàn (Đắk Lắk) thể hiện tinh thần đoàn kết các dân tộc, là nơi tổ chức các hoạt động sinh hoạt tập thể của Công an các tỉnh, thành phố khi về nguồn tại Khu di tích
– Tượng đài Bảo vệ an ninh Tổ quốc
– Nhà trống và nhà đón tiếp phục vụ các hoạt động tri ân, tưởng niệm liệt sĩ An ninh Khu V và phát huy giá trị Khu di tích./.