
Di tích Nha Công an Trung ương
Địa chỉ: Thôn Lũng Cò, xã Minh Thanh, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang
Điện thoại:
Cách mạng tháng Tám giành thắng lợi đánh dấu sự ra đời của lực lượng CAND. Ở Bắc Bộ thành lập Sở Liêm phóng, Trung Bộ thành lập Sở Trinh sát và Nam Bộ thành lập Quốc gia Tự vệ Cuộc. Tuy tên gọi khác nhau, song các tổ chức này có cùng chung nhiệm vụ: bảo vệ Đảng, đấu tranh chống phản cách mạng và các loại tội phạm, giữ gìn an ninh trật tự. Ngày 21/2/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 23/SL hợp nhất các tổ chức này thành Việt Nam Công an vụ. Tổ chức bộ máy Việt Nam Công an Vụ được quy định tại Nghị định số 121/NĐ-BNV ngày 18/4/1946 với cơ quan thường trực cấp cao nhất là Nha Công an Trung ương, dưới Nha là các Sở Công an kỳ, Ty Công an cấp tỉnh và các Phòng, Ban trực thuộc.
Ngày 19/12/1946, Hà Nội nổ tiếng súng đầu tiên mở màn cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược. Cùng với các cơ quan đầu não của Đảng và Chính phủ, Nha Công an Trung ương chuyển về căn cứ kháng chiến tại xã Minh Thanh, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang từ tháng 4/1947.
Minh Thanh nằm ở Đông – Bắc huyện Sơn Dương, cách Tân Trào khoảng 7km lọt giữa vùng căn cứ địa cách mạng, địa thể hiểm yếu, tiện đường giao thông, đảm bảo an toàn bí mật; đặc biệt, Nhân dân các dân tộc trong vùng một lòng đi theo cách mạng.
Tại đây, Nha Công an Trung ương đã chỉ đạo lực lượng Công an triển khai hiệu quả công tác tiểu phỉ, trừ gian, xây dựng cơ sở nắm tình hình địch, kiểm soát nội bộ; thực hiện tốt việc rà soát đối tượng phức tạp, làm trong sạch địa bàn, chống các hoạt động do thám của địch, phát động Nhân dân thực hiện phong trào “Phòng gian bảo mật”, khẩu hiệu “Ba không”…, giữ gìn trật tự xã hội vùng hậu phương. Đặc biệt, Nha Công an Trung ương đã tổ chức chỉ đạo hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ lãnh tụ, các cơ quan đầu não của Đảng và Chính phủ…
Ngày 21/02/1948, kỷ niệm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 23, tại căn cứ Đồng Đon, Nội san “Rèn luyện” (sau này được xác định là tiền thân Bảo CAND ngày nay) đã ra đời.
Bộ phận thông tin điện đài phục vụ trực tiếp cho Nha Công an Trung ương và khối cơ quan Chính phủ đóng trên địa bàn khu căn cứ địa Tân Trào đã hoàn thành nhiệm vụ thông tin liên lạc, tiếp nhận các mệnh lệnh của Trung ương Đảng và Chính phủ, phục vụ tốt sự chỉ đạo của Nha Công an Trung ương tới các địa phương trên toàn quốc.
Nha Công an Trung ương cũng tổ chức nhiều hội nghị nghiệp vụ, đồng thời tổ chức nhiều lớp đào tạo nghiệp vụ điều tra, trật tự, căn cước, điệp báo, chính trị cho học viên là cán bộ từ Trung Bộ phục vụ công tác chuyên môn ở từng cơ sở.
Từ ngày 8 – 15/01/1950 Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 5 đã được tổ chức. Đây là Hội nghị đầu tiên quy tụ đại biểu Công an cả nước. Hội nghị đã thông qua các đề án quan trọng, đặt nền móng về lý luận, nghiệp vụ cho công tác công an.
Cuối tháng 5/1950 đã diễn ra lễ sáp nhập một bộ phận tình báo quân đội vào Nha Công an Trung ương, thành lập Ty Tình báo do đồng chí Trần Hiệu làm Trưởng ty.
Là nơi đóng quân đầu tiên và trong thời gian dài nhất của Nha Công an Trung ương trong kháng chiến chống Pháp, Minh Thanh là địa điểm chứng kiến nhiều sự kiện có ý nghĩa to lớn; là nơi Nha Công an Trung ương có những văn kiện quan trọng đánh dấu sự trưởng thành, lớn mạnh của lực lượng CAND.
Từ đầu những năm 1990, Đảng ủy Công an Trung ương và lãnh đạo Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) đã chỉ đạo khảo sát xác định địa điểm, lập hồ sơ đề xuất xếp hạng và quyết định đầu tư phục hồi, tôn tạo di tích Nha Công an Trung ương tại xã Minh Thanh, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang. Ngày 02/8/1999 Di tích Nha Công an Trung ương được Bộ Văn hóa thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cấp Bằng công nhận Di tích lịch sử – văn hóa.
Trải qua quá trình bảo tồn, tôn tạo và xây dựng, Khu di tích Nha Công an Trung ương hiện nay gồm các hạng mục:
– Các điểm di tích gốc gắn liền với hoạt động của Nha Công an Trung ương trong thời kỳ đóng quân từ năm 1947 – 1950, bao gồm: Hội trường; nhà làm việc của Văn phòng Nha Công an Trung ương, các Ty trực thuộc; Nhà in báo; Nhà hậu cần; nhà ở và làm việc của các đồng chí Giám đốc.
– Sân bay Lũng Cò
– Quảng trường 19/8
– Nhà trưng bày bổ sung di tích
– Tượng đài bảo vệ An ninh Tổ quốc
– Bia ghi danh Liệt sĩ CAND
– Phù điêu 65 năm CAND chiến đấu, xây dựng và trưởng thành
– Bảo tàng Công an nhân dân tại Khu di tích
Khu di tích Nha Công an Trung ương hiện đang mở cửa phục vụ rộng rãi các đoàn khách trong và ngoài lực lượng Công an nhân dân tới tham quan, học tập và nghiên cứu./.